Giới thiệu và đánh giá chi tiết Màn hình LCD Dell 25” U2518D
Màn hình LCD Dell 25” U2518D có chăng sẽ khác biệt rõ rệt so với dòng H trước đây?
Nếu bạn là một người yêu thích các dòng màn hình của Dell thì chắc hẳn sẽ không lạ gì với chiếc màn hình UltraSharp U2515H đã được Dell cho ra mắt một thời gian nhất định. Một chiếc màn hình có kích thước khá lạ 25″, mục đích của Dell là sẽ dùng chiếc màn hình này để thêm vào khoảng trống giữa những chiếc màn hình 24″ như U2414H và 27″ như U2715H nhưng vẫn cho chất lượng hiển thị tương đồng với U2715H. Vào thời điểm đầu khi U2515H ra mắt, có rất nhiều ý kiến trái chiều về chiếc màn hình này, liệu đây có phải là một bước đi đúng đắn của Dell khi cho ra mắt một chiếc màn hình có độ phân giải WQHD (2560 x 1440) với một kích thước chỉ vẻn vẹn 25″ như vậy. Tuy nhiên, qua nhiều quá trình kiểm tra thực tế, khả năng hiển thị của Dell U2515H là tốt, thậm chí còn có phần trội hơn so với U2715H. Cùng với giá thành rẻ hơn khiến cho U2515H trở thành lựa chọn của rất nhiều người sử dụng muốn sở hữu một chiếc màn hình có độ phân giải WQHD (2560 x 1440) với chất lượng hiển thị tốt cũng như không quá lớn như những chiếc màn hình có kích thước 27″ như U2715H.
Nhận ra nhu cầu sử dụng ở phân khúc màn hình với kích thước 25″, Dell vừa cho ra mắt một thành viên mới trong dòng màn hình UltraSharp là U2518D, thừa hưởng những điểm mạnh của U2515H cộng thêm các cải tiến về khả năng hiển thị hình ảnh, vị trí cổng kết nối cũng như được trang bị thêm tính năng HDR, vốn là xu thế của những chiếc màn hình cao cấp hiện nay trên thị trường.
Thiết kế và thông số
Thông số cơ bản
- Kích thước: 25″
- Tỉ lệ màn hình: 16:9
- Độ phân giải: 2560 x 1440
- Khoảng cách giữa các pixel: ~0.216mm
- Thời gian phản hồi: 5ms
- Độ sáng: tối đa ~350 cd/m2 (nit)
- Độ tương phản: 1000:1
- Góc nhìn: 178/178
- Tấm nền sử dụng: AH-IPS (8-bit)
- Công nghệ backlight: W-LED
- Độ sâu của màu: ~16.7 triệu màu
- Tần số quét: 60Hz
- Lớp phù trên màn hình: lớp phủ chống chói 3H
- Các cổng kết nối: 2 cổng sạc USB 3.0 (5V/2A), 2 cổng USB 3.0 (để cắm thiết bị), 1 cổng USB 3.0 (để kết nối với máy tính), 1 cổng HDMI 2.0, 1 cổng DisplayPort 1.2, 1 cổng Mini DisplayPort 1.2, một cổng DisplayPort 1.2 (dùng để xuất ra nhiều màn hình), 1 cổng audio 3.5mm.
- Kích thước: 567.6 x 200 x 527.x mm
- Khối lượng: 6.24 kg (tính cả dây và đế màn hình)
Thiết kế
Màu sắc chủ đạo trong thiết kế của màn hình Dell U2518D là đen và bạc. Với phần viền khá mỏng, chỉ ~7mm đối với 2 viền bên hông và phía trên, còn viền bên dưới sẽ là 15mm cho phép màn hình chiếm ~90% diện tích của mặt trước, điều này giúp cho việc ghép nhiều màn hình lại với nhau để mở rộng không gian trở nên dễ dàng hơn, người dùng sẽ thoải mái với phần nội dung hiển thị thêm liền mạch giữa các màn hình. Phần vỏ bên ngoài của màn hình vẫn được sử dụng bằng chất liệu nhựa nhám màu đen và bạc cho cảm giác sang trọng, kết hợp với phần khung bên trong được làm bằng thép đem lại cảm giác chắc chắn giống như phần lớn các màn hình UltraSharp khác của Dell.
Phần viền có độ dày chỉ ~7mm
Khác với với thế hệ đàn anh đi trước, Dell U2518D không còn sử dụng một màu đen thống nhất như U2515H mà thay vào đó là sự hòa quyện 2 tông màu là bạc và đen tạo cảm giác phần mềm mại và tinh tế hơn, thể hiện rõ nhất là ở phần chân đế không còn bị cảm giác khá thô khi nhìn vào như U2515H.
Nếu để ý kĩ hơn có thể thấy phần chân trụ cũng được thiết kế lại với các đường nét vuông vắn hơn, với phần logo được di chuyển sang mặt sau của chân trụ tạo cảm giác cứng cáp hơn so với chân trụ cũ của U2515H.
Phần đế của màn hình được sử dụng màu bạc giống như các thế hệ trước, giúp tăng điểm nhấn thiết kế của chiếc màn hình lên. Với kích thước tương đồng với U2515H, được thiết kế cân bằng với tổng kích thước của màn hình, cũng như chân đế bằng cao và phần khớp nối giữa màn hình với đế chắc chắn giúp cho màn hình có khả năng đứng rất vững một khi đã lắp đặt xong.
Chân đế của U2518D
Phần khớp nối giữa màn hình và chân trụ của U2518D
Về phần điều chỉnh độ cao của màn hình, phần đế của Dell U2518D cho phép điều chỉnh khoảng cách giữa độ cao tối đa và độ cao tối thiểu xấp xỉ 130mm. Độ nghiêng, cũng như xoay của màn hình được điều chỉnh khá dễ dàng và chắc chắn.
Một điểm cần lưu ý là các nút điều chỉnh màn hình và nút nguồn của Dell U2518D lại là nút cứng thay vì nút cảm ứng như các dòng UltraSharp trước đây, điều này thì sẽ tùy theo sở thích của mỗi người, tuy nhiên vẫn sẽ có nhiều người thích sử dụng nút cảm ứng hơn.
Các cổng kết nối
Các cổng kết nối chính (HDMI, DisplayPort, nguồn..) cũng như các kết nội phụ (USB) được đặt ở phần mặt sau của màn hình nhưng đối với Dell U2518D sẽ không còn nắp nhựa để che đi các cổng kết nối này, một khuyết điểm khá đáng tiếc.
Tuy nhiên một trong những cải thiện đáng giá nhất trên U2518D, điều khiến cho rất nhiều người sử dụng các màn hình UltraSharp trước đây của Dell cảm thấy khó chịu, đó chính là vị trí của cổng USB. Thay vì đặt hết tất cả các cổng USB ở phía sau của màn hình như trước đây, các cổng USB trên U2518D được di chuyển sang phần cạnh bên trái phía dưới của màn hình, việc này sẽ giúp cho việc kết nối thêm các thiết bị ngoại vi trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn rất nhiều.
Chất lượng hiển thị của màn hình
Trên màn hình của U2518D được phủ một lớp phủ chống chói 3H đem lại khả năng hiển thị ngược sáng rất tốt cũng như không ảnh hưởng tới chất lượng hình ảnh được hiển thị trên màn hình. Về phần blacklight thì U2518D vẫn sử dụng công nghệ W-LED (White LED), nhằm việc giảm công suất tiêu thụ xuống đồng thơi cho chất lượng hiển thị màu sắc rất tốt (đạt 99% trên thang màu sRGB), nhưng nếu người sử dụng muốn có giải gam màu rộng hơn thì nên cân nhắc các lựa chọn khác sử dụng công nghệ GB-rLED backlight.
Về chất lượng hiển thị hình ảnh, U2518D được xây dựng trên nền tảng của thế hệ đàn anh U2515H, một chiếc màn hình được đánh giá khá cao với những gì mà nó đem lại với giá tiền cũng như kích thước của mình, thật sự rất khó có thể phàn nàn về chiếc màn hình này ngoại trừ việc vẫn sử dụng tấm nền IPS, tuy nhiên chính việc sử dụng tấm nền IPS lại cho chất lượng màu sắc trên các màn hình UltraSharp của Dell nói chung rất chính xác và chân thực. Cộng thêm việc U2518D được trang bị thêm tính năng HDR hứa hẹn sẽ đem lại cho người sử dụng một trải nghiệm hoàn toàn mới lạ.
Vậy tính năng HDR là gì?
HDR (High Dynamic Range) là một tính năng thường thấy trong các vấn đề liên quan tới nhiếp ảnh, tính năng này sẽ tái tạo lại dải độ sáng độ sáng tốt hơn so với thông thường SDR (Standard Dynamic Range), giúp cân bằng độ sáng giữa các vùng sáng và các vùng tối của một tấm hình, loại bỏ các vấn đề như ở vùng sáng thì sẽ sáng quá dẫn tới mất chi tiết cũng như vùng tối thì lại tối quá dẫn tới các chi tiết không được hiển thị. Điều này sẽ giúp tấm hình đem lại được chất lượng hiển thị gần sát với những gì mà mắt người quan sát được trong thực tế nhất.
Đối với trên màn hình, tính năng HDR hoạt động cũng tương tự như trong nhiếp ảnh, cho phép màn hình có khả năng hiển thị tốt các vùng sáng và các vùng tối với độ chi tiết cao trong cùng một khung hình, cũng như khả năng hiển thị sự khác biệt rõ rệt giữa các vùng bóng có độ đậm khác nhau, từ đó giúp tăng độ tương phản của màn hình lên rõ rệt. Không những thế đối với các màn hình có độ sáng cao (lớn hơn 400 cd/m2), tính năng HDR sẽ cho các chi tiết với độ sáng lớn được nổi bật lên hẳn, cũng như sở hữu các tấm nền 10-bit cũng là một điểm được tính năng này ưu ái.
Một vấn đề cần đặc biệt lưu ý là không phải bất kì nội dung giải trí như phim hay game nào cũng có khả năng hỗ trợ tính năng HDR cho nên để trải nghiệm tính năng này, bạn cũng cần phải lưu ý xem nội dung mình muốn trải nghiệm có hỗ trợ tính năng này không đã nhé.
Kiểm tra chất lượng hiển thị của màn hình
Một điều cần được lưu ý, hầu hết người sử dụng bình thường mua màn hình về chỉ hiệu chỉnh vài bước cơ bản trong settings (tuy nhiên việc căn chỉnh lại màn hình là một việc làm rất cần thiết), và phần lớn người sử dụng phổ thông đều không có các thiết bị đo đạc trong tay để tham chiếu nên các kết quả dưới đây sẽ chỉ mang tính chất tham chiếu để cho người đọc thấy khả năng tái hiện màu sắc của màn hình chính xác tới đâu.
Các thông số cần lưu ý
- Gamma: Giá trị mặc định của các màn hình desktop sẽ là 2.2
- Nhiệt độ màu/white point: Sẽ lấy giá trị 6500k (ánh sáng ban ngày) làm mốc để tham chiếu.
- Cường độ sáng: Giá trị độ sáng mặc định đối với màn hình trong điều kiện ánh sáng thông thường sẽ là 120cd/m2.
- Độ sâu của màu đen: Giá trị này càng thấp thì độ tương phản của màu sắc được hiển thị trên màn hình sẽ càng cao.
- Độ tương phản: Giá trị này càng cao thì màu sắc được hiện thị trên màn hình sẽ càng tốt.
- Hệ số trung bình (Delta-E): thấp nhất có thể. Nếu DeltaE >3, màu sắc được màn hình tái hiện sẽ không được tốt, nếu DeltaE <2, màu sắc sẽ được tái hiện sẽ khá tốt, nếu DeltaE<1 có nghĩa là khả năng tái hiện màu sắc là rất tốt.
Các thông số hiển thị của màn hình
Dưới đây là các thông số hiển thị được đo lại của Dell U2518D tương ứng với các thiết lập khác nhau:
Tương tự như với người đàn anh của mình là U2515H, khả năng hiển thị với thiết lập mặc định trên U2518D là khá tốt, thậm chí có phần cải thiện ở nhiệt độ màu khi chỉ còn 6407k, gần hơn với giá trị chuẩn là 6500k, đối với U2515H thì nhiệt độ màu ở thiết lập mặc định là 6626k. Tuy nhiên một vấn đề cần lưu ý ở đây là với việc điều chỉnh thiết lập RGB thủ công sẽ làm cho nhiệt độ màu tăng đáng kể (6840k). Ở đây, thiết lập trên U2518D được chọn ra làm quy chuẩn trong bài review này sẽ đơn giản chỉ là thiết lập mặc định với độ sáng giảm còn 40%.
Dưới đây là biểu đồ cho thấy sự ổn định của giá trị gamma đo được với thiết lập quy chuẩn:
Độ sáng và độ tương phản
Sau khi được đo đạc bởi các thiết bị cảm biến quang học chuyên dụng, có thể thống kê các thống số hiển thị của U2518D như bảng so sánh dưới đây. Phần được tô xanh là các giá trị đo được ở thiết lập quy chuẩn, lưu ý là chế độ độ tương phản động đã được tắt đi trong quá trình đo đạc.
Qua quá trình đo đạc cho thấy độ tương phản của Dell U2518D với thiết lập quy chuẩn đạt được ở giá trị trung bình là ~950:1, thấp hơn chút ít so với U2515H tuy nhiên đây vẫn là một độ tương phản đúng với mong đợi của một tấm nền IPS. Ngoài ra, với thiết lập độ sáng tối đa, độ sáng mà U2518D có thể hiện thị được là 370 cd/m2 (nit), một con cao hơn khá nhiều với độ sáng cần thiết để sử dụng với điều kiện ánh sáng bình thường và độ sáng tối thiếu chỉ 29 cd/m2 (nit), cũng như độ sâu của màu đen đo được là 0.17 cd/m2 (nit), cải thiện phần nào so với U2515H.
Độ chính xác của màu sắc được hiển thị
Được đo đạc trên gam màu sRGB, với thiết lập quy chuẩn, tấm nền trên U2518D bao phủ 99% trên gam sRGB, điều này cho thấy khả năng hiển thị màu sắc của chiếc màn hình này là rất tốt đối với các tác vụ công việc cũng như giải trí hàng ngày. Thậm chí với thiết lập RGB thủ công U2518D còn đạt được 100% đối với gam màu sRGB, tuy nhiên điều này sẽ không thực sự tạo nên sự khác biệt lớn, cũng như điều này sẽ còn tùy thuộc vào con mắt của mỗi người.
Thiết lập sRGB quy chuẩn (trái) và Thiết lập sRGB thủ công (phải)
Góc nhìn
Việc sử dụng tấm nền IPS giúp cho Dell U2518D có một góc nhìn rất tốt, tuy màu sắc vẫn sẽ bị thay đổi rất nhẹ khi góc nhìn vượt qua 45 độ, nhưng điều này sẽ rất khó nhận ra với các tác thường ngày. Thêm nữa với các ảnh có nền màu tối, việc nhìn ở góc rộng sẽ cho thấy độ tương phản có thay đổi một chút ít, đặc biệt là khi nhìn màn hình theo chiều dọc. Tuy nhiên, các tấm nền IPS đều thể hiện tốt góc nhìn cũng như đảm bảo chất lượng hình ảnh được hiển thị ở góc nhìn rộng tốt hơn hẳn các tấm nền như TN hoặc VA.
Đối với nền đen, trên tấm nền của U2518D sẽ xuất hiện hiện tượng “phát sáng” thường được biết với tên gọi là “IPS-glow”, đây là một hiện tượng thường thấy của các màn hình sử dụng tấm nền IPS, tấm nền càng lớn thì hiện tượng này sẽ càng rõ. Tuy đây là một vấn đề mà gần như tất cả các tấm nền IPS đều gặp phải, nhưng với các tác vụ thường ngày như làm việc, giải trí, chơi game thì bạn sẽ không bị ảnh hưởng gì hết trừ khi trên màn hình có nội dung màu đen và được nhìn ở một góc khá xiên. Vấn đề này đã trở thành một vấn đề nan giải đối với các tấm nền IPS có kích thước lớn.
Tính đồng nhất của ánh sáng trên màn hình
Để xác định tính đồng nhất của ảnh sáng trên tấm nền, Dell U2518D sẽ được kiểm tra cường độ sáng tại 9 vị trí khác nhau trên màn hình với ảnh nền trắng với độ sáng được thiết lập là 150 cd/m2 (nit) ở phần giữa của màn hình và được đo lại bởi các thiết bị đo màu cũng như phần mềm chuyên dụng. Cũng cần lưu ý thêm việc đồng nhất của ánh sáng trên màn hình sẽ cỏ thể khác nhau giữa các màn hình với nhau, ngay kể cả là 2 màn hình đều cùng 1 dòng sản phẩm.
Nhìn chung độ chênh lệch ánh sáng giữa các vị trí khác nhau trên màn hình của Dell U2518D là rất tốt. So với khu vực ở giữa màn hình với độ sáng là 152.5 cd/m2 (nit) thì độ chêch lệch lớn nhất chỉ ở mức -5%, tức là ~144 cd/m2 (nit) ở các vị trí như góc phía trên bên phải cũng như phía bên trái của màn hình. Tuy việc này không ảnh hưởng nhiều tới các tác vụ hàng ngày, nhưng đây là một cải thiện đáng kể so với U2515H với độ chênh lệch lên tới xấp xỉ 20%.
Về hiện tượng hở sáng trên U2518D: Chỉ hơi bị hở sáng ở phần rìa cạnh trái của màn hình, thậm chí nếu nhìn lướt qua thì rất khó có thể phát hiện. Tuy nhiên đánh giá này chỉ là tương đối vì hiện tượng hở sáng sẽ không đồng nhất trên từng màn hình khác nhau của dòng này.
Thời gian phản hồi của màn hình
Qua quá trình đo đạc bằng phần mềm SMTT 2.0 cho thấy thời gian phản hồi của điểm ảnh trên U2518D vào khoảng 5.18 ms đối với cả thời gian phản hồi của điểm ảnh lẫn độ trễ. Cải thiện rất đáng kể so với U2515H với thời gian phản hồi ~4.65 ms và độ trễ ~9 ms, nhưng nếu bạn là một game thủ khó tính của tựa game bắn súng hay e-Sport thì một chiếc màn hình chuyên dụng để chơi game với một tấm nền TN sẽ hợp lý hơn. Cũng cần lưu ý thêm do trong quá trình kiểm tra bằng phần mềm SMTT, và phần mềm này không hỗ trợ toàn bộ thời gian phản hồi của điểm ảnh đối với tham chiếu G2G (thời gian đầy đủ để điểm ảnh thay đổi màu sắc từ màu trắng sang màu đen) nên kết quả trên đây đã được trừ bớt đi 1 phần thời gian phản hồi trên tham chiếu G2G, từ đó cho kết quả tham chiếu tương đối chính xác về độ trễ của màn hình.
Kết
Thừa hưởng những ưu điểm của U2515H, cộng thêm những tùy chỉnh kết nối cũng như về phần màu sắc hiển thị cho thấy Dell U2518D, mặc dù vậy những cải thiện về khả năng hiển thị của U2518D không thực sự được cải thiện nhiều so với U2515H. Tuy vậy, U2518D vẫn là một lựa chọn sáng giá đối với những người sử dụng muốn một chiếc màn hình có độ phân giải WQHD với kích thước không quá lớn, cho khả năng hiển thị màu sắc xuất sắc với chất lượng hình ảnh sắc nét cùng với tính năng HDR, chắc chắn sẽ không làm thất vọng đối với con mắt của nhiều người tiêu dùng.
Ưu điểm
- Thiết kế được cải thiện hơn so với các dòng UltraSharp trước đây.
- Khả năng hiển thị màu sắc với thiết lập mặc định được cải thiện so với U2515H.
- Chất lượng hình ảnh cũng như độ sắc nét không hề kém cạnh với U2515H vốn đã là một chiếc màn hình khá tốt.
- Cải thiện đáng kể hiện tượng hở sáng cũng như độ chênh lệch ánh sáng trên tấm nền so với U2515H.
- Sở hữu tính năng HDR cho trải nghiệm hình ảnh cũng như màu sắc tốt hơn.
- Vị trí cổng kết nối USB được đặt ở vị trí thuận tiện hơn.
- Cải thiện thời gian độ phản hồi lẫn độ trễ đáng kể so với U2515H.
Khuyết điểm
- Chất lượng hình ảnh được hiển thị tuy vẫn khá tốt nhưng so với U2515H thì U2518D chưa có cải thiện gì đáng kể.
- Hiện tượng “IPS-glow” chưa được cải thiện.
- Tính năng HDR không hoạt động đối với cổng kết nối DisplayPort 1.2, nên người sử dụng sẽ phải mua thêm cáp kết nối HDMI 2.0 để có thể sử dụng tính năng này.
- Việc trải nghiệm tính năng HDR có tốt hay không sẽ còn phụ thuộc vào việc ứng dụng có hỗ trợ tính năng này hay không.