Vậy là sau khi lựa chọn đầy đủ linh kiện cần thiết cho bộ máy tính mới của mình. Bạn bắt đầu lựa chọn một bộ nguồn và phát hiện ra là chưa biết nên lựa chọn như thế nào cho phù hợp. Trong bài viết này, Phong Vũ sẽ hướng dẫn cho bạn cách chọn mua nguồn máy tính để giúp cho bạn có được quyết định chính xác hơn nhé.
1. Công suất
Đầu tiên, bạn sẽ phải lựa chọn bộ nguồn có công suất phù hợp với cấu hình mà minh đang sử dụng. Quá thấp sẽ làm cho máy tính hoạt động không ổn định, thậm chí có thể gây ra hư hại tới linh kiện. Nếu vừa đủ thì sẽ rất khó khăn nếu có ý định nâng cấp về sau này. Trong khi quá cao thì chỉ có ví tiền của bạn là thứ duy nhất bị thiệt hại thôi.
Một điều quan trọng cần lưu ý khác, với linh kiện máy tính hiện nay có hiệu suất ngày một được tối ưu. Đối với phần lớn các cấu hình chơi game, ngay cả những cấu hình chơi game cao cấp, 1 bộ nguồn có công suất từ 500 – 600W là đã đủ để hoạt động mượt mà, trái ngược lại với các thế hệ phần cứng cũ phải cần đến 800W thậm chí là 1000W để hoạt động ổn định. Ngoài ra, bạn có thêm tham khảo công cụ “psu calculator” trên mạng để ước chừng tổng công suất tiêu thụ của 1 bộ máy tính hoàn chỉnh.
Ngoài ra, hiệu suất hoạt động tốt nhất của nguồn máy tính sẽ ở mức tải từ 40-70%, nên tùy vào công suất tiêu thụ của cấu hình mà hãy tìm cho mình một bộ nguồn có công suất hợp lý bạn nhé.
2. Hiệu suất
Chắc hẳn bạn đã từng thấy dòng chữ 80 Plus trên rất nhiều bộ nguồn máy tính khi mua sắm và tự hỏi không biết chúng có ý nghĩa gì. Đây thực ra là chứng nhận 80 Plus được tổ chức quốc tế thành lập để phân loại và xác nhận hiệu suất hoạt động của nguồn. Tính tới thời điểm hiện tại có tất cả 6 chứng nhận 80 Plus tất cả là Titanium, Platinum, Gold, Silver, Bronze và White (hay còn được gọi là 80 Plus).
80 Plus Titanium
Cao cấp nhất là các bộ nguồn 80 Plus Titanium, với hiệu suất hoạt động rất cao. Lên tới 96% và đảm bảo duy trì hiệu suất hoạt động luôn lớn hơn 90% trên toàn bộ các mức tải ngay cả ở mức tải 10%. Đem lại mức hao hụt điện năng rất thấp, tuy nhiên với giá thành đắt đỏ, rất ít người sử dụng thực sự cần đến các bộ nguồn này.
80 Plus Platinum
Mặc dù không có hiệu suất tốt như Titanium. Nhưng các bộ nguồn 80 Plus Platinum vẫn có hiệu suất rất tốt, lên tới 94% và đảm bảo luôn trên 90% ở các mức tải từ 20 – 100%. So với Titanium thì các bộ nguồn Platinum có độ phổ biến hơn hẳn. Nhờ vào mức giá thấp hơn hẳn nhưng vẫn đem lại hiệu suất hoạt động rất cao được rất nhiều người dùng high-end yêu thích.
80 Plus Gold
Đây có thể nói là chuẩn 80 Plus được nhiều người dùng high-end yêu thích nhất. Với hiệu suất vẫn đảm bảo trong khoảng 88 – 92% nhưng với giá thành thấp hơn 80 Plus Titanium/Platinum rất nhiều, được xem là lựa chọn cân bằng hơn rất nhiều.
80 Plus Silver
Không phải ngẫu nhiên mà số lượng nguồn 80 Plus Silver là rất ít. Tuy hiệu suất vẫn ở mức khá cao khoảng 85 – 87%, nhưng nếu so sánh với các bộ nguồn 80 Plus Bronze, thì con số này không thực sự ấn tượng, trong khi giá lại xấp xỉ với một bộ nguồn 80 Plus Gold. Nên trừ khi không còn lựa chọn nào khác, việc chọn 1 bộ nguồn 80 Plus Silver không phải là 1 lựa chọn tốt.
80 Plus Bronze
Xuất hiện trên phần lớn các bộ nguồn máy tính tầm trung. Các bộ nguồn 80 Plus Bronze luôn khẳng định vị trí của mình, với hiệu suất khá tốt từ 82 cho tới 86% cộng thêm giá thành rất hợp lý với đại đa số người dùng. Cho nên nếu bạn đang cần tìm một bộ nguồn hiệu năng cao với mức giá hợp lý thì các bộ nguồn 80 Plus Bronze sẽ là lựa chọn thích hợp nhất.
80 Plus (White)
Còn được biết đến với tên gọi khác là 80 Plus White, đây thường là các bộ nguồn phổ thông với công suất tương đối tốt kèm theo hiệu suất tối đa lên tới 82%. Phù hợp với các cấu hình chơi game tầm trung với chi phí giới hạn.
3. Kiểu kết nối dây nguồn
Một điều nữa cũng khiến cho nhiều người phân vân khi chọn mua nguồn máy tính là kiểu kết nối. Mỗi kiểu kết nối sẽ có ưu và nhược điểm của riêng mình, đáp ứng tùy theo nhu cầu sử dụng của từng người.
Cáp liền
Đối với nguồn cáp liền, toàn bộ các dây nguồn đều được hàn cố định lên trên bảng mạch của nguồn. Điều này đi kèm theo nhược điểm rất lớn là bạn sẽ không thể tháo bớt các dây nguồn không cần thiết ra được. Khiến cho việc đi dây trong nhiều trường hợp trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, nếu chẳng may dây nguồn bị hỏng, việc thay thế sẽ đòi hỏi bạn phải có kiến thức về phần cứng khá tốt.
Cáp rời (Full-modular)
Trái ngược với các bộ nguồn cáp liền, toàn bộ các dây nguồn của các bộ nguồn cáp rời đều có thể được tháo rời. Giúp tăng tính thẩm mỹ cũng như việc đi dây bên trong case máy tính rất nhiều, đồng thời nếu chẳng may dây nguồn có bị hỏng thì việc thay thế cũng trở nên đơn giản hơn. Nhược điểm duy nhất của các bộ nguồn cáp rời chính là giá thành cao.
Cáp bán rời (Semi-modular)
Kết hợp cả ưu và nhược điểm của cáp rời và cáp liền lại với nhau. Các bộ nguồn sử dụng cáp bán rời vẫn thích hợp với rất nhiều người dùng ở phân khúc tầm trung. Với khả năng cho phép người dùng tháo bớt các dây nguồn không cần thiết để giúp cho việc đi dây trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, do vẫn gặp phải nhược điểm như các bộ nguồn cáp liền và không có được ưu điểm hoàn toàn như cáp rời. Nên rất ít người lựa chọn các bộ nguồn sử dụng cáp bán rời.
Tất nhiên, việc chọn mua nguồn máy tính sẽ còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố quan trọng khác như thiết kế mạch, độ ổn định của dòng điện DC, các chuẩn bảo vệ, hệ số công suất và nhiệt độ hoạt động. Cho nên bạn sẽ phải tham khảo từ rất nhiều nguồn review khác nhau để có được thông tin chính xác nhất, các yếu tố trong bài viết này chỉ là những điều cơ bản để giúp cho bạn phân biệt được các loại nguồn khác nhau mà thôi. Và quan trọng hơn hết, tuyệt đối không mua nguồn máy tính có nguồn gốc không xác định đến từ các thương hiệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên thị trường vì rất có thể bạn sẽ hối hận vì quyết định này.