Giới thiệu sản phẩm tay cầm Razer Raiju PS4 Tournament Edition (RZ06-02610100-R3A1)
Không chỉ trên PC mà trên thế giới cũng như tại Việt Nam, những giải đấu game tổ chức trên nền console vẫn rất đông. Từ PES, FIFA, cho đến cả Call of Duty và những game đối kháng như Street Fighter. Thị trường tay cầm chơi game cho đối tượng gamer chuyên nghiệp cũng được coi trọng, với khả năng “bòn rút” ví tiền của anh em gamer, đổi lại là những sản phẩm cải thiện được cảm giác điều khiển nhân vật trong game so với tay cầm stock của PS4 hay Xbox One.
Razer Raiju là một trong số những sản phẩm như vậy. Từ thiết kế, trải nghiệm sử dụng cũng như độ bền đều khác hẳn so với tay cầm Dualshock 4 thông thường, bán kèm với máy PS4 như người dùng đã quá quen thuộc. Razer Raiju đặc biệt hợp với những game mang tính đối kháng với chế độ multiplayer như FIFA 18 hay Call of Duty: WWII chẳng hạn.
So với tay cầm Sony làm ra cho PlayStation 4, Razer Raiju nhìn “giống” tay cầm cho Xbox One hơn, với thiết kế “béo” hơn so với dáng vẻ thon thả của Dualshock 4. Đặt Raiju cạnh Xbox One Controller, đường nét cũng có vẻ tương đồng, nhưng chiếc tay cầm chơi game của Razer ngầu hơn nhiều. Những giây phút đầu tiên làm quen, ấn tượng của Raiju là một chiếc tay cầm dày dặn, với lớp vỏ nhựa nhám bền chắc. Ngay cả khi không phải tay cầm không dây, nghĩa là không có pin bên trong, Raiju vẫn nặng hơn Dualshock 4 một chút.
Không chỉ có layout những nút cơ bản, Raiju còn sở hữu cụm nút macro có thể tùy chỉnh mà không cần driver, cùng cụm nút điều khiển voice chat, gán macro, đổi profile nhanh. Đây chính là khác biệt cơ bản giữa khái niệm “eSports Controller” so với tay cầm bình thường. Chúng đem lại nhiều lợi thế nhất có thể cho những gamer thi đấu những giải game FPS hay thể thao.
Nhìn sơ qua hình ảnh của Raiju, người dùng có thể nghĩ vị trí nút cũng như khoảng cách sẽ khác so với tay cầm Dualshock 4. Kỳ thực đây là tác động của kích thước hơi “béo” của chiếc controller này. Mình thử đo khoảng cách nút, vị trí hai nút Option và Share, cũng như vị trí hai cần analog và nhận ra rằng, “mặt tiền” của Razer Raiju không khác biệt gì so với Dualshock 4. Ngón cái của người dùng phải “vươn” quãng đường tương tự như trên DS4 để điều khiển nhân vật trong game.
Tuy nhiên, vị trí layout nút bấm là thứ duy nhất “quen” trên Razer Raiju. Còn lại kết cấu của nút, thiết kế trigger cũng như touchpad trên chiếc tay cầm này đều khác hoàn toàn. Nổi bật nhất có lẽ chính là 4 nút tam giác, O, X và vuông không còn dùng nút nhựa kết nối với switch cao su tiếp xúc trực tiếp với PCB bên dưới nữa. Thay vào đó, Razer sử dụng mechanical switch y hệt như trên chuột chơi game, bấm nảy tanh tách, vừa làm giảm độ sâu hành trình nút, vừa làm giảm độ trễ trong quá trình điều khiển nhân vật game. Phải khẳng định, bấm 4 nút này rất đã, bấm cả ngày cũng không chán.
Cụm nút phụ (R1, R2, L1, L2) được bê nguyên xi từ tay cầm Xbox One. Không có phàn nàn gì về nút phụ của Dualshock 4 truyền thống, nhưng phải đồng ý một điều, 2 nút “vai” và “cò” của Xbox One có sự tỉ mỉ và tính toán trong thiết kế hơn nhiều so với đối thủ Sony. Nếu như với tay cầm PS4, người dùng phải bấm 4 nút phụ bằng đầu ngón tay, thì tay cầm Xbox One cho phép bấm theo kiểu gì cũng được, đặt tay dưới hai trigger mà vẫn gạt được đốt ngón tay trỏ bấm RB và LB. Cái gì thiết kế ngon sẵn thì copy luôn cho tiện, chưa kể Microsoft có đăng ký bản quyền cụm nút phụ của tay cầm đâu mà phải lo?
Nhắc macro cũng không thể bỏ qua 4 nút từ M1 đến M4, với hai nút ngay cạnh cụm nút phụ, và hai nút ở mặt sau tay cầm. Tác dụng của chúng không khác gì những nút phụ ở sườn chuột chơi game cả, và chúng chỉnh được để gán các lệnh khác nhau. Thao tác cũng tương tự như hair trigger ở trên: Giữ nút macro ở panel dưới tay cầm, bấm một lần nút M1 đến M4, sau đó bấm tiếp nút mà anh em muốn gán cho 1 trong 4 nút này. Tay cầm rung lên một nhịp nghĩa là đã nhận lệnh. Mô tả thì dài nhưng dùng thử, toàn bộ thao tác này mất cỡ 3 giây.
Trong quá trình dùng thử, người viết gán hai nút M3 và M4 phía sau tay cầm làm nút lên và xuống số khi chơi GranTurismo Sport, y chang flappy paddle chuyển gear trên vô lăng xe đua. Còn trong game bắn súng gán hai nút này làm nút thay đạn và tấn công cận chiến, rất tiện, hai ngón cái chỉ việc điều khiển cần analog để nhân vật di chuyển mà thôi. Trong khi đó M1 và M2 có thể dùng để đổi slot vật phẩm ví dụ trong Battlefield V sắp ra mắt, tiện hơn việc thả tay khỏi analog trái để chọn bằng Dpad nhiều.
Ưu điểm
– Nút bấm mechanical ấn sướng, bền. Trigger to, cảm giác cầm nắm thoải mái.
– Cụm nút macro tiện, gán nhanh, không cần driver.
– Điều khiển được tai nghe và mic ngay trên tay cầm, tiện cho người dùng chơi game multiplayer.
– Thiết kế đẹp.