Đối với game thủ thì card màn hình được xem là linh kiện quan trọng nhất trong 1 cấu hình chơi game. Tuy nhiên, với sự thay đổi công nghệ liên tục cộng thêm việc có rất nhiều mẫu mã và khiến cho việc lựa chọn card màn hình như hiện nay, việc chọn đúng chiếc card mong muốn không phải là 1 điều dễ dàng.
Trong bài viết này, Phong Vũ sẽ hướng dẫn bạn lựa chọn card màn hình theo nhu cầu sử dụng, giúp bạn có cái nhìn bao quát hơn về các dòng card hiện nay trên thị trường.
1. Hiệu năng chơi game
Đương nhiên đây là một điều cực kì hiển nhiên mà bất kì ai cũng nghĩ tới khi nói về một chiếc card màn hình. Tuy nhiên, không phải ai cũng chọn được cho mình một chiếc card phù hợp, chắc chắn bạn sẽ không muốn rơi vào trường hợp lãng phí như mua RTX 2080 về chỉ để chơi game ở 1080p hoặc quá sức như dùng GTX 1660 để gồng gánh game ở 1440p. Việc biết được các dòng card nào phù hợp cho tùy từng độ phân giải khi chơi game là một điều rất quan trọng mà rất nhiều người bỏ qua.
Độ phân giải 4K (3840 x 2160)
Nếu bạn đang sử dụng một chiếc màn hình 4K thì một chiếc card màn hình mạnh mẽ như RTX 2080Ti là rất phù hợp. Với việc là chiếc card chơi game mạnh nhất hiện nay, RTX 2080Ti chắc chắn sẽ đem lại cho bạn trải nghiệm chơi game tuyệt vời với các công nghệ đồ họa mới nhất từ NVIDIA như Ray tracing, DLSS, VRS.
Bên cạnh RTX 2080Ti, bạn còn có lựa chọn khác là RTX 2080, tuy hiệu năng chơi game chắc chắn sẽ không thể bằng RTX 2080Ti nhưng bạn sẽ tiết kiệm được 1 số tiền kha khá khi mua RTX 2080 và vẫn đảm bảo đem lại hiệu năng chơi game trên độ phân giải 4K tốt với điều kiện bạn sẽ phải giảm 1 vài thiết lập đồ họa xuống đôi chút.
Độ phân giải 1440p (2560 x 1440)
Mặc dù đem lại trải nghiệm hình ảnh chân thực và sắc nét, nhưng vẫn tồn tại một rào cản khá lớn để có được trải nghiệm chơi game trên độ phân giải 4K chính là giá thành. Cũng vì lý do này mà vẫn rất nhiều người lựa chọn 1440p làm độ phân giải lý tưởng khi chơi game bởi khả năng đem lại chất lượng hình ảnh xuất sắc hơn rất nhiều so với 1080p nhưng lại không yêu cầu phần cứng quá nhiều như 4K.
Trong thời gian vừa rồi, ở phân khúc này có rất nhiều lựa chọn khá hấp dẫn như RTX 2070, 2060 thậm chí là ngay cả GTX 1080 và 1070Ti vẫn đem lại hiệu năng trên 1440p rất tốt. Cho tới khi AMD cho ra mắt 2 đại diện của kiến trúc Navi là RX 5700XT và 5700 tại E3 2019 thì cục diện đã thay đổi khá nhiều với hiệu năng chơi game trên 1440p vượt mặt cả RTX 2060 lẫn 2070, tạo nên sức ép khá lớn lên NVIDIA.
Để phản công lại line up mới của AMD, NVIDIA ngay lập tức tung ra RTX Super với 2 đại diện đầu tiên là RTX 2070 Super và 2060 Super. Với hiệu năng được cải thiện rõ ràng so với RTX 2070 và 2060, giúp NVIDIA giành lại lợi thế so với AMD ở phân khúc cao cấp này. Tạo nên không khí cạnh tranh rất có lợi cho game thủ.
Độ phân giải 1080p (1920 x 1080)
Có thể nói độ phân giải 1080p vẫn là lựa chọn của đại đa số game thủ, đặc biệt là những game thủ hard core cần tần số phản hồi nhanh thì độ phân giải 1080p hiện vẫn đang là lựa chọn số 1. Ở phân khúc này, hiện nay GTX 1660Ti là lựa chọn tốt nhất mà game thủ có thể có được, mặc dù không hỗ trợ các công nghệ mới như Ray tracing và DLSS nhưng đổi lại với hiệu năng tương đương với GTX 1070, bạn sẽ có được trải nghiệm chơi game trên 1080p cực kì mượt mà đặc biệt trên những chiếc màn hình có tần số phản hồi nhanh.
Theo sau GTX 1660Ti là GTX 1660 với hiệu năng chơi game trên 1080p rất tốt, tuy hiệu năng sẽ không thể nào bằng được GTX 1660Ti, nhưng GTX 1660 vẫn có hiệu năng được cải thiện rất nhiều so với thế hệ đàn anh GTX 1060 6GB, đủ sức để đem lại cho bạn mãn nhãn khi chơi game ở 1080p.
Sẽ thật thiếu sót khi không kể đến sự góp mặt của RX 590 đến từ AMD, với hiệu năng được cải thiện tương đối từ RX 580, đây vẫn được xem là 1 trong những chiếc card đem lại hiệu năng chơi game trên 1080p tốt nhất hiện nay trên thị trường. Thậm chí, bạn còn có thể lùi xuống RX 570 mà vẫn có được hiệu năng chơi game tương đối tốt.
Phân khúc phổ thông
Không phải bất kì game thủ nào cũng có điều kiện để tậu cho mình 1 bộ nguồn máy tính có công suất lớn, nên những dòng card màn hình không cần sử dụng nguồn phụ như GTX 1650 là một lựa chọn rất hợp lý. Tuy không thể so sánh với RX 570 về hiệu năng, nhưng với công suất tiêu thụ chỉ ở mức 75W, GTX 1650 vẫn đem lại hiệu năng chơi game khá thuyết phục ở độ phân giải full HD (1080p), cao hơn GTX 1050Ti xấp xỉ 25%. Đem lại trải nghiệm mượt mà ở thiết lập trung bình với phần lớn tựa game ở độ phân giải full HD.
2. Tản nhiệt
Việc lựa chọn phiên bản tản nhiệt nào cho phù hợp với card màn hình là 1 điều quan trọng không kém cũng như không hề dễ dàng gì khi có quá nhiều các phiên bản tản nhiệt khác nhau. Dưới đây sẽ là tổng hợp sơ qua các loại tản nhiệt phổ biến hiện nay, nhằm giúp cho bạn có được cái nhìn tổng quát hơn.
Tản khí
Thông thường tản khí sẽ được phân loại dựa theo số lượng quạt làm mát và độ dày của tản nhiệt, tuy nhiên không phải lúc nào nhiều quạt với tản nhiệt dày hơn thì hiệu năng làm mát cũng sẽ tốt hơn. Chẳng hạn như đối với GTX 1660/1660Ti thì việc sử dụng tản nhiệt to dày với 3 quạt làm mát bên trên sẽ không giúp ích gì nhiều cho bạn bởi vì những bộ xử lý đồ họa này có công suất tiêu thụ khá thấp. Hoặc đối với những bộ xử lý đồ họa cao cấp như RTX 2070/2080 thì việc sử dụng phiên bản rút gọn chỉ với 1 quạt làm mát là rất bất hợp lý trừ khi bạn đang cần ráp 1 cấu hình chơi game nhỏ gọn.
Trong khi đó tản nhiệt 2 quạt lại là lựa chọn phổ biến nhất, bởi khả năng cân bằng giữa hiệu năng tản nhiệt và kích thước, điều này giúp cho những chiếc card này tương thích tốt với nhiều mẫu case hơn là những chiếc card 3 quạt cồng kềnh. Hơn nữa ở một số phiên bản cao cấp, mặc dù chỉ sử dụng 2 quạt nhưng đây lại là 2 quạt có kích thước lớn, đem lại hiệu năng tản nhiệt rất tốt.
Tuy vậy, nhưng những chiếc card chỉ sử dụng 1 quạt vẫn có chỗ đứng nhất định của mình, đặc biệt là đối với những cấu hình nhỏ gọn giới hạn không gian bên trong case. Cũng như có 1 điều nữa bạn cần phải lưu ý, như đã đề cập bên trên, độ dày của tản nhiệt cũng quyệt định khá nhiều tới hiệu năng tản nhiệt, trong 1 số trường hợp đặc biệt nếu như được thiết kế tốt, thỉ 1 chiếc card chỉ với 1 quạt nhưng có tản nhiệt dày hơn sẽ có nhiệt độ hoạt động xấp xỉ với ngay cả 1 chiếc card có 2 quạt.
Tản nước AIO
Nếu như bạn muốn có hiệu năng tản nhiệt tốt hơn nhưng lại cảm thấy 1 bộ tản nước custom quá cồng kềnh thì những chiếc card được sản xuất sẵn dưới dạng tản nước AIO là một lựa chọn rất hợp lý. Với bộ xử lý đồ họa được tản nhiệt riêng bởi 1 bộ tản nhiệt AIO, trong khi đó các bộ phận khác như bộ nhớ và bộ cấp nguồn được 1 bộ tản nhiệt khí riêng biệt chăm sóc giúp tối ưu nhiệt độ cho từng bộ phận trên card.
Việc sử dụng tản nước AIO cho card sẽ giúp cải thiện nhiệt độ bộ xử lý đồ họa rất nhiều, đặc biệt nếu như bạn là 1 người yêu thích ép xung thì hiệu năng sẽ được cải thiện khá nhiều. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là đối với những chiếc card sử dụng tản nước AIO, bạn sẽ phải lưu ý thêm về khoảng không bên trong case khi lắp đặt.
Tản nước custom
Trong trường hợp tất cả các phương án trên đều không làm bạn hài lòng và bạn đang muốn tìm trải nghiệm mới thì một bộ tản nhiệt nước custom sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho bạn. Tuy nhiên, đối với card màn hình thì việc chọn block tản nước lại không hề đơn giản như CPU vì mỗi loại block sẽ tương thích với 1 thiết kế mạch khác nhau tùy theo hãng sản xuất, cho nên bạn sẽ phải kiểm tra kĩ càng xem block nước mình định mua có hỗ trợ chiếc card mà mình đang sử dụng hay không.
Một lựa chọn đơn giản nhất là bạn có thể lựa chọn card được thiết kế bởi chính NVIDIA, những chiếc card này thông thường sẽ là thiết kế dễ tìm block nước nhất. Ngoài ra, bạn còn có thể chọn phiên bản được lắp sẵn block nước từ các nhà sản xuất trong trường hợp bạn không muốn mất nhiều thời gian để đi tìm linh kiện.
3. Kích thước
Đương nhiên, ai cũng thích 1 chiếc card đầy đặn bên trong case của mình. Tuy nhiên sẽ không có cơn ác mộng nào tồi tệ hơn khi mà sau khi mua được chiếc card ưng ý và bạn phát hiện ra rằng case của mình không đủ độ dài để hỗ trợ, hoặc cả mainboard lẫn case đều không đủ khe mở rộng do card quá dày. Chưa kể đến việc với 1 chiếc card lớn, bạn sẽ phải chú ý đến việc trợ lực cho chiếc card của mình bằng các mainboard có khe PCI, case chắc chắn và các phụ kiện cần thiết như cọc chống để hạn chế hiện tượng cong, xệ của card.
Trong khi đó, đối với 1 chiếc card nhỏ gọn, bạn sẽ gần như không phải lo lắng về các vấn đề tương thích về kích thước với mainboard và case cũng như hiện tượng cong xệ do kích thước quá khổ. Điều này không có nghĩa là việc lựa chọn 1 chiếc card lớn là không nên mà bạn sẽ phải cân nhắc dựa vào sở thích của bản thân mà đưa ra quyết định phù hợp nhất.
Đối với game thủ, chiếc card màn hình không những là linh kiện quan trọng nhất trong toàn bộ cấu hình, mà cũng có thể được xem là mặt tiền của 1 bộ máy tính chơi game. Hi vọng thông qua bài viết này, bạn sẽ đưa ra được quyết định lựa chọn chiếc card ưng ý một cách chính xác và dễ dàng hơn.