Người dùng chúng ta luôn bị nhà sản xuất định hướng hay đánh tráo khái niệm bằng những thông số “khủng” họ thường show ra để PR cho sản phẩm. Cũng từ đó mà những quan niệm về gaming gear ra đời nhưng trên thực tế lại không hề chính xác. Những sai lầm đó là gì?
I. DPI cao thì độ chính xác càng cao
Đây là một sự đánh tráo khái niệm mà khó có thể phát hiện từ nhiều năm về trước (mà đến tận bây giờ vẫn có người nhầm lẫn). Theo đó, DPI “cao” của chuột thời đó chỉ lên tới 1600DPI và phân giải màn hình tối đa chỉ ở mức SXGA (1280×1024) xuất hiện trên các màn hình “vuông”. Với DPI cao, người dùng sẽ không phải khổ sở như khi dùng các chuột phổ thông 400-450 DPI và phải kéo độ nhạy chuột trong Windows vượt ngưỡng 6/11, dẫn đến đường di chuột bị bỏ qua điểm ảnh (skip pixel), và đương nhiên là sẽ mất đi sự chính xác khi từng điểm ảnh trên màn hình đều cần được tận dụng khi chơi game.
Gamer luôn sử dụng mức sensitivity 6/11 của Windows là có nguyên do, nhưng trước tiên chúng ta hãy tìm hiểu sâu hơn cái vụ “sens win” này là gì đã. Ở công cụ chỉnh độ nhạy chuột của Windows có tất cả là 11 nấc cho tốc độ từ 0-10, dân game chúng ta thường hay nói 6/11 là chỉ ở vạch thứ 6, nghĩa là ở mức tốc độ 5/10 theo quy ước.
Theo bảng thống kê dưới đây, với tỉ lệ nội suy tốc độ là 1.0 (hay không có nội suy) ở mức 5/10, tốc độ chuột sẽ hoàn toàn chuẩn theo DPI mà chuột đó đáp ứng cùng với loại bỏ hoàn toàn hiện tượng bỏ qua điểm ảnh. Từ đây dẫn đến việc chuột có DPI cao sẽ cho game thủ loại bỏ việc kéo sens win cao hơn mốc 5/10 gây ra skip pixel, và đương nhiên hỗ trợ tăng độ chính xác.
EPP: Enhance pointer precision – công cụ kích hoạt gia tốc chuột của Windows
DPI – dots per inch, chỉ đơn giản là số điểm ảnh mà trỏ chuột di chuyển trên màn hình tương ứng với 1 inch (2,54cm) chuột di chuyển ngoài thực tế. Đây chỉ đơn giản là thông số về tốc độ chuột chứ hoàn toàn không có tác dụng tăng độ chính xác, DPI cao thì phục vụ di chuột trên màn hình có độ phân giải lớn một cách thoải mái hơn.
Lấy một ví dụ cụ thể:
- Với độ phân giải FullHD có 1920 pixel theo phương ngang, bạn muốn di chuyển chuột 1 inch để chạy hết phương ngang này sẽ cần 1920 DPI.
- Với độ phân giải QuadHD có 2560 pixel theo phương ngang, bạn muốn di chuyển chuột 1 inch để chạy hết phương ngang này sẽ cần 2560 DPI.
Đó là lý do vì sao đôi lúc cùng một tốc độ chuột và ở trên 2 màn hình 25″ bạn sẽ cảm thấy chuột ở màn này nhanh hơn trong khi ở màn còn lại chậm hơn, vì 1 màn có phân giải là FullHD, và 1 màn là QuadHD.
Có một khái niệm khác về DPI mà anh em game thủ chúng ta cũng cần biết ở thời đại này đó là Native DPI hay còn gọi là DPI thực. Về mức DPI thực tối đa chuột có thể đáp ứng thì nhà sản xuất cảm biến không bao giờ công bố (hoặc có thì cũng là nói dối cả). DPI thực là mức DPI không bị nội suy, không bị hiện tượng bỏ qua điểm ảnh. Có những loại chuột DPI cao nhưng sử dụng ở mức cao đó luôn cho cảm giác di rất khó chịu, hoặc cùng một DPI có chuột lại mượt, có chuột lại cho đường di “nhảy cóc”, đó chính là sự khác nhau giữa DPI thực và DPI đã bị nội suy.
II. Tai nghe 7.1 giúp nghe chuẩn tiếng chân địch
Một quan niệm sai lầm phổ biến khác như tiêu đề đã nêu. Trên thực tế, nếu bạn muốn âm thanh vòm 7.1 chuẩn xác tiếng chân địch trong game thì đầu tư một dàn “loa thùng” có giá tính bằng hàng trăm triệu hay hàng tỉ đồng sẽ giúp bạn việc đó. Còn những tai nghe giả lập 7.1 thì vẫn chỉ là giả lập, chức năng phân tách các dải âm hay nắm bắt vị trí của âm thanh (âm hình) sẽ không được hoàn thiện, trên thực tế âm thanh Stereo của tai nghe còn cho âm hình tốt hơn, độ chính xác cao hơn.
Người viết đã có dịp test tai nghe gaming tầm trung nổi bật như HyperX Cloud Revolver, hay tai nghe FPS thuộc loại hàng khủng Sennheiser Game Zero trong một tựa game cực kỳ kén tai nghe gaming đó là PUBG. Khi nghe ở chế độ Stereo thì cả 2 tai nghe này đều cho âm hình tốt, tuy nhiên Game Zero cho sự nổi trội thật sự khác biệt khi tiếng chân địch chạy trên từng bậc cầu thang như “rót vào tai”. Và rồi mọi thứ đều méo mó đến mức khó nghe khi sử dụng âm thanh giả lập 7.1 từ một “soundcard”. Hãy khoan chê bai soundcard hàng lởm hay rẻ tiền, vì nhân vật tôi đang sở hữu ở đây là một Gaming Amplifier cũng thuộc hàng “khủng bố”: Sennheiser GSX1000.
Nuforce uDAC5 (trái) và Sennheiser GSX1000 bên cạnh nàng Mercy Overwatch
Không phải GSX1000 của tôi có vấn đề gì cả, chỉ đơn giản là dù có tốt đến mấy, âm thanh giả lập vẫn chỉ sử dụng nguồn âm thanh có sẵn để giả lập rồi phân tách ra các kênh, cũng như Tien Shinhan phân thân một cách yếu đuối khi đấu với Son Goku vậy 😀 GSX1000 đã làm rất tốt khi có sẵn lựa chọn giả lập âm thanh phát ra từ phía sau hay phía trước chúng ta như một hệ thống loa ngoài, nhưng rõ ràng để định vị chính xác được nguồn âm thanh phát ra thì hơi quá tầm so với công nghệ 7.1 ảo hiện tại.
Phân thân tưởng hoành tráng nhưng lại cho sức mạnh và sự quan sát giảm đi đáng kể
Những tai nghe gaming 7.1 thực mà đại diện cho gaming như Razer Tiamat 7.1 dù có rất nhiều loa nhưng rốt cuộc âm hình vẫn không thể “bắt dính” được như một tai nghe Stereo Sennheiser Game Zero thần thánh. Có thể là Tiamat tệ thật, nhưng cũng có thể là hạn chế của công nghệ 7.1 áp dụng lên tai nghe. Cho dù là thế nào thì cho tới thời điểm năm 2019 hiện tại, các tai nghe 7.1 vẫn không thể cho âm hình “ngon” hơn một tai nghe Stereo cao cấp.
III. Bàn phím cơ học bền bỉ với tuổi thọ 60 triệu lượt bấm.
Rốt cuộc thì chắc chẳng có ai kiểm chứng được con số 60 triệu này. Bàn phím cơ sử dụng CherryMX switch luôn được quảng cáo tuổi thọ cho lượt bấm lên đến 50 triệu, rồi một loạt các bên “custom” khác đua nhau quảng cáo canh tranh với con số 60 triệu hay hy hữu là 80 triệu. (!) Có thể tuổi thọ lên tới như vậy thật, nhưng trong quá trình sử dụng có chắc những hãng đó đảm bảo cho chúng ta không bị những lỗi vặt như bấm lệch trục, phím nặng phím nhẹ, tín hiệu chập chờn, double-click,… hay không? Phím cơ đó sẽ không “chết” nhưng lại “sống dở chết dở” thì thật sự là đáng buồn.
Thật ra những quan niệm sai lầm được hình thành qua một quãng thời gian phát triển dài tới 14-15 năm của thế giới gaming gear Việt Nam thì còn nhiều lắm, nhưng tôi chỉ tạm tổng hợp 3 sai lầm cơ bản nhất ở trên thôi. Nếu có dịp tôi sẽ viết thêm nhiều phần khác để vén màn thêm nhiều cái sự “bị lừa” của các bạn, và cũng để nhớ lại cả quãng thời gian chính bản thân cũng bị lừa đau đớn như thế nào.
Tạm kết ở đây nha!
-= Lê Hạo Nguyên =-